Đã có nhiều khuyến cáo việc ăn mặn sẽ mang lại nhiều tác hại cho thận và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý cấp tính và mãn tính nguy hiểm khác. Mỗi người nên chủ động cắt giảm lượng muối ăn hàng ngày, đồng thời duy trì chế độ ăn uống khoa học để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Mục lục
Vì sao ăn mặn hại thận?
Ăn mặn là một thói quen xấu cần loại bỏ bởi việc ăn nhiều muối trong thời gian dài là yếu tố hàng đầu dẫn đến các bệnh về thận. Cụ thể, ăn nhiều muối sẽ làm tăng cảm giác khát, khiến bạn uống nhiều nước, dẫn đến tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, khiến thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng của thận.
Không chỉ vậy, ăn mặn còn làm mất sự cân bằng kali và natri trong cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng lọc nước của thận. Điều này dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp và tăng áp lực cho các mạch máu đến thận; theo thời gian sẽ gây suy thận.
Ăn nhiều muối cũng được chứng minh sẽ làm tăng lượng protein trong nước tiểu – một trong những yếu tố phát triển bệnh thận và bệnh tim mạch. Hơn nữa, chế độ ăn nhiều muối còn có liên quan mật thiết đến sỏi thận vì làm tăng lượng canxi bị mất trong nước tiểu.
Ăn nhiều muối gây ra nhiều tác hại nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể
Người mắc các bệnh về thận nếu tiếp tục duy trì thói quen ăn mặn sẽ khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn và có thể phát triển thành thận nhiễm mỡ, suy thận mãn tính… và để lại nhiều tác hại đối với sức khỏe như làm tăng nguy cơ đột quỵ, làm yếu xương, hen xuyễn, gây bệnh dạ dày…
Điều nguy hiểm hơn là trên thực tế, hầu hết mọi người đều không biết mình đang ăn mặn. Theo nghiên cứu, mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt là 9,4 gam/ngày – gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (không nên ăn quá 5g muối mỗi ngày).
Vì sao nhiều người khó từ bỏ thói quen ăn mặn?
Rõ ràng, chỉ cần từ bỏ thói quen ăn mặn là chúng ta đã góp phần lớn để bảo vệ thận và giữ gìn sức khỏe. Tuy nhiên, không ít người chia sẻ rằng, việc này tưởng chừng như đơn giản mà lại rất khó khăn bởi họ đã quá quen thuộc với khẩu vị đậm đà. Khi giảm muối hay nước mắm nêm nếm, nhiều người cảm thấy món ăn trở nên nhạt nhẽo, ăn không ngon miệng.
Nên cố gắng ăn giảm mặn mỗi ngày, theo hàm lượng muối được khuyến nghị để bảo vệ sức khỏe
Chắc chắn rằng, việc thay đổi khẩu vị không phải là chuyện dễ dàng, không thể nào giảm ăn mặn ngay lập tức chỉ trong một hay hai ngày. Hãy cùng từng chút một áp dụng các bí kíp dưới đây để dần xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, ít mặn nhé.
Bí quyết giúp bạn giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày
Dưới đây là một vài bí quyết giúp mỗi người, đặc biệt là những ai đang có vấn đề về thận dễ dàng cắt giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe:
- Cố gắng duy trì thói quen ăn không quá 5g muối/ngày. Ước tính 5g muối sẽ tương đương: 1 thìa cà phê muối trắng = 1,5 thìa cà phê bột canh = 2 thìa cà phê hạt nêm = 2,5 thìa canh nước mắm = 3,5 thìa canh xì dầu.
- Chọn thực phẩm tươi sống thay vì các món ăn chế biến sẵn như thịt hộp, cá hộp, xúc xích, giò chả, cà muối, hạt điều rang, bim bim…
- Ưu tiên chế biến các món ăn luộc, hấp thay vì món khô, rim, rang cần nêm nếm nhiều gia vị.
- Có thể kết hợp các món ăn với thảo mộc để giảm lượng muối nêm nếm.
- Hạn chế ăn ngoài, nên tự nấu ăn ở nhà để dễ dàng kiểm soát lượng muối nạp vào cơ thể.
- Từ bỏ dần thói quen chấm nước mắm. Khi ăn, nên pha loãng nước chấm với các loại gia vị khác như chanh, ớt, tỏi để bớt vị mặn.
- Sử dụng các loại gia vị giảm mặn, điển hình như nước mắm giảm mặn là cách đơn giản để giảm lượng muối nạp vào cơ thể.
Ăn mặn hại thận và hại sức khỏe là vấn đề được nhiều chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo. Ngay từ hôm nay, mỗi người hãy chủ động từ bỏ ngay thói quen xấu này để bảo vệ sức khỏe của chính mình. “Cho bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn”, bạn nhé!
>>> Xem thêm: Vì sao bị cao huyết áp không nên ăn mặn?