Bác sĩ thường khuyên người bị cao huyết áp không nên ăn mặn, bạn có thắc mắc vì sao lại như vậy không? Trong bài viết sau sẽ cho bạn hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa muối – bệnh tăng huyết áp và đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tại sao người huyết áp cao không nên ăn mặn, từ đó giúp bạn có chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh.
Mục lục
Tại sao người huyết áp cao không nên ăn mặn?
Tăng huyết áp là tình trạng áp lực lớn từ máu tác động lên thành động mạch, gây sức ép cho tim và dẫn đến nhiều vấn đề tim mạch nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… Chỉ số huyết áp từ 140/90mmHg trở lên được xem là huyết áp cao.
Muối bao gồm 40% natri và 60% clorua có vai trò điều chỉnh huyết áp, cân bằng chất lỏng, dẫn truyền xung thần kinh và các chức năng bình thường của tế bào. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng muối tiêu thụ trong 1 ngày nên là dưới 5g, vừa đủ để cơ thể hoạt động tốt và tránh huyết áp cao.
Trường hợp bạn tiêu thụ quá nhiều muối (trên 5g/ngày), lượng natri trong cơ thể tăng cao, phá vỡ sự cân bằng natri tự nhiên và làm cho cơ thể giữ nước. Chính điều này khiến cho thể tích tuần hoàn máu tăng, buộc tim phải hoạt động năng suất hơn để bơm máu vào mạch máu, từ đó tạo áp lực lên mạch máu và gây tăng huyết áp. Vì vậy, người có tiền sử bị cao huyết áp thì không nên ăn mặn, nếu không sẽ làm cho huyết áp luôn tăng cao và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Người bị huyết áp cao nên tránh xa các món ăn mặn.
Ngoài huyết áp cao, ăn mặn còn dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác như sỏi thận, đột quỵ, đau dạ dày, đầy hơi, ợ nóng rát, đau tức ngực, chóng mặt, yếu xương…
Bật mí chế độ ăn uống hỗ trợ tình trạng cao huyết áp
Những người bị cao huyết áp nên xây dựng một thực đơn lành mạnh, ít muối, ít dầu mỡ đồng thời bổ sung nhiều vitamin, chất xơ, axit béo không bão hòa để cơ thể khỏe mạnh và giảm thiểu tình trạng tăng huyết áp.
Cụ thể, khi lựa chọn thực phẩm, những người bị cao huyết áp nên:
- Ăn vừa đủ lượng muối được khuyến nghị để ổn định huyết áp (dưới 5g/ngày).
- Ăn nhiều trái cây, rau củ và các loại đậu hạt như chanh, cam, bưởi, hạt bí ngô, đậu lăng, quả mọng, hạt dẻ, cần tây, cà chua, bông cải xanh, củ cải đường…
- Ăn các loại cá béo để cung cấp omega-3 giúp cải thiện tình trạng huyết áp cao. Một số loại cá béo nên ăn như cá hồi, cá cơm, cá ngừ, cá kiếm, cá mòi…
Cá béo là loại thực phẩm rất tốt cho người bị huyết áp cao.
- Các lựa chọn thay thế gia vị để giảm mặn như húng quế, bột cà ri, thì là, nhục đậu khấu, ngò tây, hương thảo…
- Chọn sản phẩm có hàm lượng natri (muối) thấp bằng cách xem bảng thành phần thật kỹ trước khi mua.
Như vậy có thể thấy thói quen ăn mặn về lâu dài dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt còn gây nhiều nguy hiểm với những người bị huyết áp cao. Do vậy, để thay đổi dần thói quen này bạn nên xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và bắt đầu bằng cách ưu tiên chọn gia vị giảm mặn để bảo vệ sức khỏe nhé!
>>> Xem thêm:
- Thế nào là nước mắm có lợi cho sức khỏe?
- Nước mắm an toàn và những điều có thể bạn chưa biết
- Nước mắm cốt là gì và có công dụng ra sao?